Tác giả: - 22/03/2021
A A
Hòa Bình: Mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm

Theo Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình, trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều mô hình điển hình, đi đầu trong công tác sản xuất hàng nông nghiệp an toàn, liên kết tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc góp phần tạo công ăn việc làm ôn định, nâng cao thu nhập cho người dân tham gia và sản xuất theo hướng bền vững.

 

Hợp tác xã Hà Phong tại Xóm Môn, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong có diện tích trên 300 ha cây ăn quả có múi các loại, tập trung sản xuất, kinh doanh nông sản có múi như Cam lòng vàng, cam canh đường, bưởi, quýt, cam V2, chanh đào, chanh trắng... và một số sản phẩm sản xuất từ cam như tinh dầu cam, mứt vỏ cam, mứt ruột cam, rượu cam, xà phòng cam, si rô cam... Hợp tác xã sản xuất theo VietGAP và đã có chứng nhận. Đặc biệt hai sản phẩm là nước Cam tươi lên men và Cam quả của Hợp tác xã xếp hạng 4 sao thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hòa Bình năm 2019. Sản phẩm của Hợp tác xã được giới thiệu và tiêu thụ ở trong và nhiều tỉnh thành trên cả nước.

 
Mô hình chăn nuôi Gà của Hợp tác xã Gà Lạc Thủy tại xã An Bình, huyện Lạc Thủy với sản lượng 40 tấn/năm. Chăn nuôi của Hợp tác xã đạt tiêu chuẩn VietGAP và có tem truy xuất nguồn gốc với sản phẩm là gà tươi nguyên con, hiện nay sản phẩm gà tươi nguyên con được ký hợp đồng và cung cấp cho hệ thống siêu thị BiC, Lotte, các nhà hàng, cửa hàng nông sản tại Hà Nội. Năm 2019, sản phẩm gà tươi nguyên con của Hợp tác xã xếp hạng 4 sao thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hòa Bình. Mô hình chăn nuôi gà của hợp tác xã là một điểm sáng trong chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn và liên kết tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Hòa Bình nói chung và huyện Lạc Thủy nói riêng.
 
Mô hình chăn nuôi cá lòng hồ của Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Cường Thịnh tại xóm Vôi, xã Hòa Bình, TP. Hòa Bình. Quy mô chăn nuôi của công ty 400 lồng 825 tấn/năm (200 lồng của công ty, 200 lồng liên kết sản xuất). Công ty chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP với các loại cá như cá Lăng, cá Diêu hồng, cá trắm, Chép. Điểm nổi bật về sản phẩm của Công ty là cá Lăng đen sông Đà phi lê và cá rô phi sông Đà phi lê. Năm 2019, khi tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hòa Bình, hai sản phẩm này được xếp hạng 4 sao, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng. Ngoài mô hình chăn nuôi cá lòng hồ theo hướng an toàn và liên kết tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc của công ty Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Cường Thịnh còn có Công ty TNHH Thủy hải sản Hải Đăng Hòa Bình, quy mô 300 lồng, 780 tấn/năm (162 lồng của công ty, 140 lồng liên kết sản xuất). Sản phẩm của công ty là cá lòng hồ sông Đà các loại được tiêu thụ tại Hà Nội.
 
Mô hình chăn nuôi và liên kết tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thuận Phát tại xóm Đồng Sương, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn với sản phẩm là thịt gà tươi nguyên con đóng túi hút chân không, chăn nuôi gà đạt tiêu chuẩn VietGAP có đăng ký nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc, sản lượng 40 tấn gà/năm, với thị trường liên kết tại các nhà hàng trong và ngoài tỉnh, Hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội. Năm 2019, sản phẩm thịt gà của hợp tác xã khi tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hòa Bình đã được xếp hạng 3 sao./
Các tin khác